top of page
Ảnh của tác giảXứ Sở La Vie Est Belle

bạn có nghiện đau khổ không?


Làm sao ai đó có thể nghiện đau khổ được? Về mặt ý thức, bạn có thể nghĩ vậy. Nhưng vô thức không hoạt động như vậy. Vô thức hút chúng ta đến những việc mà nó QUEN THUỘC, kể cả thứ nó quen thuộc là đau khổ, chứ không phải những thứ ta nghĩ là ta thích. Mình đã đọc được một bài viết về cơ chế gây nghiện của đau khổ như thế này. Ở cấp độ thể chất, chúng ta không thực sự nghiện cảm giác đau khổ mà nghiện việc cơ thể giải phóng một luồng endorphin tự do đi kèm với nỗi đau. Endorphin là một hóa chất mà cơ thể giải phóng khi nó chịu một chấn thương thể chất hay tâm lý, về mặt cấu trúc và công hiệu, nó giống morphin và heroin - những chất giảm đau. Khi bạn vấp ngón chân của mình, đi sau cảm giác đau buốt là cảm giác tê liệt đông cứng (do có tác dụng giảm đau của endorphin). Thực tế thì cảm giác này không phải là không dễ chịu, nếu không muốn nói là còn tạo ra một chút khoái cảm. Những người luyện tập cơ thể cường độ cao rất quen thuộc với cảm giác này. Tất cả những áp lực lên cơ thể đều kích thích giải phóng endorphin cho dù là áp lực cảm xúc hay căng thẳng thể chất. Nếu căng thẳng là liên tục, việc giải phóng endorphin cũng là liên tục, dẫn tới tình trạng kém mẫn cảm với tác dụng giảm đau của nó ( y như nhờn thuốc vậy). Khi việc giải phóng endorphin đã trở thành hiện tượng quen thuộc hàng ngày, các giác quan dần trở nên kém nhạy cảm và tê liệt. Những người cuồng công việc, giống như trong ví dụ ngón chân bị vấp kia, cũng trải nghiệm một cảm giác khoái cảm đau đớn. Theo thời gian, để cảm nhận được sự dễ chịu đáng kể từ endorphin, các tác nhân đau đớn căng thẳng ngày càng phải lớn hơn để lượng endorphin được tiết ra lớn hơn thì các giác quan tê liệt mới cảm nhận được. Và đây chính là vòng lặp nghiện ngập bạn rơi vào. Với những hoạt chất giảm đau liên tục được tiết ra trong cơ thể, bạn sẽ có cảm giác an toàn ảo, nhưng chính nó lại là tấm khiên ngăn bạn chạm vào những cảm xúc tinh tế như sự dịu dàng, tính nhạy cảm, tình yêu và sự dễ tổn thương. Tất cả những điều này có khiến bạn nghĩ rằng ồ hóa ra mình cũng cần cai nghiện đau khổ? Bạn đã từng điên cuồng trong guồng quay công việc nhưng đến khi hoàn thành lại thấy trống rỗng chứ không hạnh phúc? Bạn đã từng ở trong những mối quan hệ bạo lực cảm xúc nhưng khó lòng dứt ra, hoặc rồi sẽ va phải một mối quan hệ khác cũng y như vậy? Những công nhận ngắn ngủi từ công việc, những thân mật ngắn ngủi của tình yêu, khiến bạn dùng dằng ở lại chịu luôn những đau khổ đính kèm của nó. Càng căng thẳng, vất vả đấu tranh và áp lực, bạn càng rời xa bản thể tinh tế và tình yêu trong mình Không cần biết bạn muốn hạnh phúc đến mức nào, điều quan trọng là bạn đã quen với hạnh phúc chưa. Như chúng ta vẫn hay bông đùa với nhau: Khổ quen rồi sướng không chịu được :)) Bức ảnh này, mình chụp khi đang chuẩn bị bữa sáng cho mọi người ở La Vie Est Belle, vì thấy nắng sớm mơ màng chiếu qua cửa sổ, ngoài kia là cây lá rung rinh. Mình đã từng sống trong những căn phòng không có cứa sổ nhìn thấy mặt trời ở thành phố, rất hay vội vàng trước cả một ngày dài, chứ không thong dong nhìn ra vườn ăn sáng cùng nhau như ở đây. Không phải bọn mình không có đâu cần phải đi, không có gì cần phải làm, không có trách nhiệm nào cần phải bảo đảm, bọn mình chỉ muốn cai nghiện đau khổ, ''chịu đựng'' được sự thảnh thơi cho đến khi có thể tự động nhận ra hạnh phúc nguyên chất không đính kèm đau khổ. Cũng giống như khi ăn một miếng gà rán fast food và uống nước ngọt, vị giác sẽ được kích thích mạnh, đường huyết cũng tăng nhanh, não bộ sẽ hưng phấn vô cùng, chỉ có cơ thể về sau phải lo thải độc. Còn ăn một bát cơm lứt với rau củ sẽ chỉ làm đường huyết tăng ổn định thôi chứ không có cảm giác fancy thần thánh của hóa chất, nhưng nếu cơ thể quen rồi, nó sẽ tự biết cái giá của của một phút ''food orgasm''. Đến một ngày, phần tiềm thức của ta sẽ biết cảnh giác để xem hạnh phúc có nguyên chất không, có đính kèm bất cứ tạp chất nào của căng thẳng đau khổ đấu tranh không. Và bạn nhận ra tình yêu không phải là thứ cần đấu tranh để đạt tới. Tình yêu vẫn ở đây, khi ta buông sự đấu tranh để trở về.

91 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Bình luận


bottom of page