top of page

chuyện ăn xứ này


Hồi mới quen vợ chồng mình nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh, khi đó cả hai đều đã ăn chay từ trước, và một cách vô tình thỉnh thoảng mình luôn sử dụng eating vegetarian để nói về việc ăn thực vật và eating normal (ăn bình thường) để nói về việc ăn động vật. Bạn chồng luôn chỉnh, eating veggie is also normal (ăn rau củ cũng bình thường em), mình chỉ cười hì chống chế biết dùng từ sai và chữa lại thành non-vegetarian. Đó là chuyện lâu lắm rồi, giờ tụi mình ở cái xứ sở này và chọn ăn chay hoàn toàn, với một số bạn khách điều đó vẫn có gì đó bất thường và hình như không đủ dinh dưỡng. Thắc mắc là chuyện rất thường, mình vẫn quan niệm không hiểu là rất khó để thương, vậy nên tự thấy trách nhiệm lớn lao cung cấp thêm thông tin để giải đáp thắc mắc, để mình thương nhau hơn và thương cả cái sự ăn chay đó 😉 Lưu ý, bài viết này mình dựa trên những trải nghiệm cá nhân, giá trị riêng của không gian xứ sở và nguồn tư liệu mình có.


VÌ SAO XỨ SỞ LA VIE EST BELLE CHỌN ĂN CHAY ?


Lý do mang tính cá nhân nè : tại vì vợ chồng mình ăn chay 😉 Nói vui nhưng thực sự đó cũng là một trog những lý do. Tụi mình ở đây không có nhà hàng, không có thực đơn, chỉ ăn cơm nhà với nhau. Bạn tới sẽ thấy tụi mình ai cũng như ai và ai cũng là người phục vụ, tụi mình thay phiên nhau nấu ăn, hôm nào có nhóm đông thì sẽ sẽ có cô nấu bếp ^^ và dĩ nhiên tụi mình không ăn và không nấu những đồ có nguồn gốc động vật.Lý do mang tính cảm tính nè : tụi mình ở đây ai cũng rất đỗi yêu mến những con vật. Các bạn « con » nào tới đây tụi mình cũng vui vẻ chào đón hết, các bạn chó hàng xóm yêu quý tụi mình quá suốt ngày ở đây, ở rồi tụi mình cho ăn, riết rồi chúng nó 5 con ở lại luôn, hậu quả là mình phải muối mặt sang nói chuyện với anh hàng xóm =)) Các bạn mèo hoang tới đẻ con, rồi bạn khách đi chơi thấy mấy bạn mèo mới đẻ bị bỏ rơi, hỏi tụi mình, tụi mình nhận hết, rồi sau đó ngày 8 bận cho tụi nó ăn sữa bằng xi lanh. Giờ trong vườn các bạn chim làm tổ đẻ trứng sinh con nhiều lắm, bọ cạp, giun và côn trùng cũng nhiều, cả muỗi nữa =)))


Lý do mang tính sức khỏe : thực ra đây sẽ là lý do mình bàn đến ít nhất vì có rất nhiều thông tin liên quan tới lý do này mọi người có thể tìm hiểu thêm, ăn chay không vì tín ngưỡng đang trở thành lựa chọn của nhiều ngươi để sống khỏe hơn. Cá nhân mình thì thấy sự biến chuyển rất lớn, từ hồi ăn chay cơ thể nhẹ nhõm hơn rất nhiều, gần như không ốm vặt và sức bền cực tốt, mình vẫn có thể trekking 30-40km/ngày, lúc nào cũng cảm thấy rất nhiều năng lượng kể cả khi làm việc căng thẳng. Có một điều rất rõ là hệ thống « cảnh báo » trong cơ thể mình trở nên nhạy cảm hơn, mỗi khi đi ăn hàng mà đồ ăn có vấn đề gì đó sau vài phút trên người sẽ có nhiều nốt đỏ tím, nó giúp mình nhận biết và lắng nghe cơ thể tốt. Tuy nhiên mình không phủ nhận việc ăn uống phải kết hợp với rất nhiều yếu tố khác nữa như tập luyện và quan trọng nhất là yếu tố tinh thần. Phần sau sẽ đề cập chi tiết hơn ăn chay như thế nào.Còn một lý do nữa, tính nhân bản và tinh thần tự nhiên, và đây cũng thuộc giá trị cốt lõi xứ sở hướng tới – trân trọng yêu thương con người và tự nhiên. Liệu con đường phát triển của mỗi chúng ta có cần trải đầy xác chết của các loài động vật ? Khoa học cho thấy động vật là những sinh vật có cảm giác, có thể cảm nhận nỗi đau và sự cô đơn. Peter Singer, trong cuốn Animal Liberation, cho rằng chăn nuôi công nghiệp gây ra nhiều đau đớn và khổ sở hơn tất cả các cuộc chiến tranh lịch sử cộng lại. Liệu khi tồn tại và kiến thiết thế giới này, chúng ta có nên tính đến phúc lợi của tất cả sinh vật sống, không chỉ của con người ? (Theo The Guardian – bài dịch của Tô Sỹ trên VNReview).

Để thu được một lượng protein như nhau trong chăn nuôi người ta phải sử dụng diện tích gấp 17 lần. Theo tính toán, một héc ta đất canh tác có thể nuôi được 20-30 người ăn cốc lứt, thì diện tích ấy không đủ cho một con bò ăn quanh năm. Nếu chúng ta giảm một nửa lượng thịt, sẽ đủ lương thực nuôi toàn bộ người dân ở các nước đang phát triển hiện còn thiếu ăn hoặc chết đói. 80-90% lượng ngũ cốc ở các nước phát triển đang được dùng để nuôi gia súc lấy thịt. Rõ ràng là thức ăn của người nghèo đang bị rút cạn để nuôi bò cho những người có điều kiện hơn. Cựu Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kurt Walheim từng nói : « sự tiêu thụ thực phẩm của người giàu là nguyên nhân cơ bản của nạn đói trên toàn thế giới » (Minh Triết Trong Ăn Uống của Phương Đông – tác giả Lương Y Ngô Đức Vượng).


Về mặt môi trường, để nuôi súc vật làm thịt ăn, loài người chúng ta đang sử dụng tới 70% diện tích đất nông nghiệp và 30% tổng diện tích của trái đất. Bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố ngày 29 tháng 11 năm 2006 cho biết rằng nuôi súc vật để ăn thịt tạo ra nhiều chất khí gây nên hiệu ứng nhà kính nhiều hơn những chất khí do tất cả xe cộ trên trái đất nhả ra( ). Ông Henning Steinfeld, một viên chức cao cấp của Tổ Chức Nông Lương Quốc Tế (FAO) cho biết là kỹ nghệ nuôi súc vật để bán thịt là một trong những yếu tố quan trọng nhất đưa tới cuộc khủng hoảng sinh môi hiện đại. Gà, lợn và bò ở các trại chăn nuôi lớn nhả ra những khối lượng khí mê-tan vĩ đại, từ sự tiêu hóa và từ phân chúng thải ra. Các nhà khoa học cho biết là khí mê-tan gây hiệu ứng nhà kính hai mươi ba lần nhiều hơn khí CO2. Nuôi bò, nuôi lợn, nuôi gà, chế biến thực phẩm từ sữa và trứng chịu trách nhiệm chế tác ra khoảng 65% tổng số khối lượng chất khí N2O trên toàn thế giới. Phá rừng là để trồng bắp, trồng lúa nuôi súc vật và để có đồng cỏ cho bò gặm. Khi rừng bị phá, những khối lượng khí CO2 khổng lồ chứa trong cây cối được nhả ra không trung. Nuôi súc vật để bán thịt cũng làm hao hụt nước của thế giới. Chỉ cần 25 gallon nước là đủ tưới và sản xuất 1kg lúa. Trong khi đó muốn chế tác 1kg thịt thì phải dùng tới 2.500 gallon nước. Chúng ta đang ăn thịt con cháu chúng ta, ăn thịt cha mẹ ta, ăn thịt cả hành tinh của chúng ta. (Thiền Sư Thích Nhất Hạnh trong bài nói chuyện tại Tu viện Bích Nham, ngày 12 tháng 10 năm 2007).“Chúng ta tàn phá đất Mẹ như một loại vi trùng tàn phá một cơ thể con người, vì đất Mẹ cũng là một cơ thể. Nhưng có những loài vi khuẩn rất thân hữu và có ích cho cơ thể con người. Hàng tỷ con như thế đang có mặt trong ta, nhất là trong hệ thống tiêu hóa; chúng giúp bảo vệ cơ thể và chế tác những sinh tố mà ta cần đến. Loài người có thể là những sinh vật có khả năng bảo vệ cơ thể đất Mẹ như thế, nếu loài người tỉnh thức và từ bi.” (Thiền Sư Thích Nhất Hạnh).


ĂN CHAY NHƯ THẾ NÀO?


Những bằng chứng y khoa cho thấy một chế độ ăn chay trường cân bằng là cực kỳ lành mạnh và cung cấp mọi thứ cần thiết cho cơ thể. Dinh dưỡng và khẩu phần ăn đúng sẽ cung cấp nhiên liệu cho cơ thể và tâm trí mà không tạo ra độc tố và bệnh tật. Cơ thể ăn vì hai mục đích: làm nhiên liệu cung cấp năng lượng, và làm vật liệu để sửa chữa các mô cơ thể. Để sửa chữa và xây dựng các mô, cơ thể cần: - Đạm – Đường – Chất béo – Chất khoáng. Các chất này được tìm thấy chiếm một tỉ lệ lớn trong mô của rau củ nhiều hơn là trong mô của động vật. Các loại hạt vỏ cứng, đậu hạt, đậu trái, các sản phẩm từ đậu nành và sữa có chứa đam. Lúa mì, lúa mạch, gao và các loại ngũ cốc khác là nguồn đường tinh bột chính. Tất cả các thức ăn có đạm và dầu thực vật cung cấp chất béo , và nguồn cung cấp chính các chất khoáng vô cơ và vitamin từ các loại trái cây và rau củ. (Swami Sitaramananda trong cuốn Sivananda Yoga Cổ Điển).


Một trong những điểm khiến nhiều người sợ ăn chay là thiếu protein. Đây là một trong những nỗi sợ điển hình và sản phẩm của truyền thông. Thực tế cơ thể không cần nhiều protein như chúng ta vẫn bị tiêm nhiễm, và ngoài lượng protein có sẵn (như có trong thịt động vật và một số loại thực vật), cơ thể còn có khả năng tự tổng hợp protein. Vì vậy nếu chúng ta ỷ lại lâu dài vào viêc ăn protein có sẵn sẽ làm thui chột khả năng tuyệt vời tự tổng hợp của cơ thể. Theo cuốn Minh Triết Trong Ăn Uống Của Phương Đông, protein được cấu tạo từ các thành phần nhỏ hơn là các acid amin, trong đó có 9 loại thiết yếu không thể thay thế. Các loại protein từ cơ thể động vật tuy có lượng acid amin tổng số khá cao nhưng lại thiếu hụt một vài loại thiết yếu, trong khi đó protein từ thức ăn thực vật lại có đầy đủ các acid amin thiết yếu với tỷ lệ khá cân đối.


Tuy nhiên theo Lương Y Lê Thuận Nghĩa, cũng có một số lưu ý tới mọi người để không tạo ra độc tố từ đời sống sạch. Có một số loại thức ăn vốn không phù hợp với khả năng tiêu hóa (Đồng hóa và Dị hóa) của một số người. Khi thức ăn không phù hợp với cơ địa tiêu hóa (Kể cả các sản phẩm từ động vật chứ không riêng gì thảo mộc), nếu không nhận biết thì chẳng khác gì hàng ngày tẩm ướp lên cơ thể một lượng độc tố còn nguy hiểm hơn các loại hóa chất tẩm ướp trên thức ăn đang hiện hành phổ cập hiện nay. Ví dụ một số loại thức ăn từ thực vật có cơ địa Dị Ứng chiếm tỷ lệ khá cao như sau: - Các sản phẩm làm từ Đậu Nành, như Đậu Phụ, Nước Tương, Sữa Đậu Nành…có tỷ lệ Không Phù Hợp (Dị Ứng) chiếm từ 40-45% dân số - Các sản phẩm làm từ Sữa Bò, chiếm tỷ lệ Không Phù Hợp từ 30-35% - Các sản phẩm làm từ Dầu Dừa chiếm tỷ lệ Không Phù Hợp trên 30% - Sản phẩm ăn uống và thuốc từ tảo xoắn chiếm tỷ lệ Không Phù Hợp trên 50% - Các loại Nấm có tỷ lệ Không Phù Hợp khá cao - Đậu lạc Đậu phụng (lạc), chiếm tỷ lệ không phù hợp trên 20% - Mè và dầu mè (Hạt vừng)chiếm tỷ lệ không phù hợp trên 15% - Các loại rau, củ, quả… muối chua có cơ địa không phù hợp chiếm trên 60%


Vì vậy chế độ ăn chay cần rất đa dạng (về chủng loại và màu sắc), không phụ thuộc quá nhiều vào các sản phẩm từ đậu nành (cụ thể là đậu phụ) như cách ăn chay truyền thống và hạn chế sử dụng nhiều gia vị và chiên xào nhiều. Thức ăn cần tự nhiên, tươi mới, nguyên cám, đầy đủ chất xơ và kiềm. Ở xứ sở tụi mình gần như không dùng đến tủ lạnh, nguyên liệu nấu ăn tươi hàng ngày, trừ một số sản phẩm gia vị đặc thù không tìm được đồ sạch ở địa phương như dầu ăn, mật mía, nước tương, các nguyên liệu rau củ quả trái cây khác chủ yếu từ vườn nhà hoặc chợ địa phương – chợ quê nên đồ rất tươi, sạch và ngon. Tụi mình cũng có thói quen nấu ăn không dựa theo kế hoạch hoặc công thức có sẵn và dựa vào vườn và chợ hôm đó có gì ngon sạch theo mùa. Mình có đam mê ra chợ đi một vòng, nhặt nhạnh những “đặc sản” của ngày hôm đó rồi về nhà mới nghĩ nấu gì với nó ^^


Ngoài ra chúng ta cũng cần ăn trong tỉnh thức và lắng nghe cơ thể. Ăn nhưng đừng để mắc kẹt vào chay hay mặn. Ăn là để ăn chứ không phải ăn cả những suy tư và các thể loại dự án trong đầu, ăn trong tâm thế tận hưởng, cơ thể được tiếp xúc trọn vẹn với đồ ăn. Ăn vừa đủ sẽ giúp cho việc tiêu hóa được diễn ra triệt để, enzim tiêu hóa có tính giới hạn, ăn quá nhiều nó sẽ không hoạt động nữa, thức ăn sẽ ứ đọng, rồi lên men hoặc thối rữa gây tình trạng tự đầu độc cơ thể. Nhai kĩ sẽ giúp thức ăn được nghiền nhỏ, các dịch tiêu hóa sẽ thấm được nhiều và giúp thức ăn tiêu hóa tốt hơn. Việc ăn chậm cũng giúp cho tinh bột trong thức ăn được tiêu hóa một phần trước khi đi vào dạ dày. Khi đó, quá trình tiêu hóa sẽ hiệu quả hơn. Thông thường, cơ thể chúng ta không thể tiêu hóa được chất cellulose có trong rau, củ, quả. Nhai kĩ sẽ giúp chúng ta phá được lớp vỏ cellulose của thức ăn để hấp thụ các chất dinh dưỡng bên trong. Khi chúng ta ăn uống trong tỉnh thức, chậm rãi, chúng ta có khả năng lắng nghe cơ thể tốt hơn, và vì vậy chúng ta có khả năng phát hiện những vấn đề của đồ ăn hoặc sự không phù hợp của cơ thể với đồ ăn đó. Những điều này là lý do vì sao ở Xứ Sở này tụi mình luôn có một bữa ăn im lặng chánh niệm trong ngày.


Và điểm cuối cùng, thực tế các nhà khoa học và các nhà hiền triết yogi đã chỉ ra rằng ăn uống nói chung và ăn chay nối riêng thôi chưa đủ, một chế độ tập luyện phù hợp, thư giãn đúng cách và đặc biệt quan trọng duy trì tâm lý tích cực, trạng thái tinh thần thoải mái rộng mở là những yếu tố giúp duy trì một cơ thể khỏe mạnh.p/s: hình dưới là một bữa ăn ở chỗ tụi mình cho 5 người ăn. Cơm bạn Phúc nấu (súp bí đỏ, củ dền khoai tây nướng và rau dền rau sam dại luộc, à hình còn thiếu tô cơm lứt nữa), bánh chuối hấp bạn Nhơn làm (chuối trong vườn chin qúa trời và tụi mình liên tục phải nghĩ ra công thức tiêu thụ nó), bàn bạn Yến và bạn Phil vẽ thư giãn ^^


141 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

tình ca

bottom of page